Nghe/xem các chương trình truyền hình
Trong phần thi Listening của IELTS, bạn sẽ phải nghe bốn đoạn thoại được trích từ nhiều nguồn khác nhau: hai người bạn nói chuyện với nhau, thầy trò bàn luận về hồ sơ báo cáo thực tập hay các chương trình phát thanh trên radio. Vì thế, bạn nên tạo cho mình thói quen xem tin tức, theo dõi các gameshow trên truyền hình, nghe nhạc quốc tế và nhất là mở rộng mạng lưới các chương trình càng rộng càng tốt để đối phó với vấn đề giọng nói của nhiều quốc tịch khác nhau.
Trên các kênh truyền thông lớn như BBC, CNN, Guardian, Nytimes… đều có mục video, nơi cập nhật các đoạn phóng sự ngắn hàng ngày. Đặc biệt ở trang BBC còn có mục Học tiếng Anh rất thú vị với những mẹo vặt tiếng Anh gần gũi với đời sống bản địa, được giải nghĩa bằng tiếng Việt.
Nếu bạn ngại những bài viết quá thời sự, khô khan thì có thể tìm đến những nội dung yêu thích để tăng thêm động lực luyện nghe. Chẳng hạn, nếu bạn thích du lịch thì có thể tìm đến các clip ngắn giới thiệu về quốc gia đó trên Youtube hoặc các trang web du lịch để xem.
Một cách học vô cùng mang tính giải trí nữa đó là nghe/xem các gameshow của Mỹ hoặc Anh như Thevoice, Britain’s Got talent… hay The Ellen Degeneres show. Những ai quan tâm đến các vấn đề Xã hội từ thiện ở Việt Nam và thế giới cũng có thể dành thời gian theo dõi chương trình Talk Vietnam (phụ đề tiếng Việt) và các buổi nói chuyện của TED.
Nói chuyện với bất kì ai
Hãy tự tạo cơ hội nói tiếng Anh cho mình mọi lúc mọi nơi. Ở Việt Nam, cách đơn giản nhất để nói tiếng Anh với người nước ngoài là tham gia các hoạt động từ thiện tại những trung tâm có nhiều tình nguyện viện quốc tế. Hãy thử tìm hiểu những mối quan hệ quen biết và nhất là các chương trình được tổ chức bởi các hội từ thiện của nước ngoài tại địa phương để đăng ký làm từ thiện.
Nếu gặp một người bạn nước ngoài nào tỏ ra cần giúp đỡ, bạn cũng có thể chủ động giúp họ - đây cũng là một cách kết bạn hiệu quả. Ngoài ra, nếu điều kiện cho phép, hãy tham gia host các khách du lịch nước ngoài qua các trang uy tín như coachsurfing hay tiếp đón sinh viên quốc tế tại nhà theo các chương trình trao đổi ở trường Đại học. Cách làm này sẽ giúp bạn vừa được trò chuyện bằng tiếng Anh, vừa tạo dựng được mối quan hệ có ích về sau, nếu bạn cũng có ý định đến thăm quốc gia của người bạn đó.
Cách đơn giản nhất là liên hệ với những người bạn đồng “chí hướng” luyện nói tiếng Anh hay những bạn bè đã đi du học nước ngoài để trò chuyện. Với skype, viber hay các chương trình điện thoại quốc tế giá rẻ, bạn hoàn toàn có thể nhờ họ làm “giám khảo”, giúp đánh giá và bổ sung các ý tưởng trả lời. Đây cũng là những người bạn đã từng thi IELTS nên sẽ mang lại cho bạn nhiều mẹo bổ ích.
Đọc một quyển sách thú vị
Việc đọc báo mạng rất quan trọng trong thời gian ôn thi vì nó sẽ giúp bạn có được những thông tin thời sự hấp dẫn để cho vào bài viết để làm dẫn chứng. Tuy nhiên, bạn cũng cần đầu tư đọc sách chính thống vì hai lối hành văn của hai kênh truyền thông này vốn nhiều khác biệt. Chỉ có ở trong sách báo chính thống bạn mới bắt gặp được cách viết trau chuốt, bài bản và “Anh” nhất.
Bạn không nhất thiết phải đọc những quyển sách mang tính hàn lâm (chẳng hạn như sách Khoa học) mà có thể đọc sách chuyên ngành mà bạn đang theo đuổi, sách giải trí, sách du lịch…
Bản thân người viết là một du học sinh bị bệnh “ghiền Paris” nên cô bạn đã quyết định tậu một quyển sách chủ đề nói về Paris, do một người Anh sống lâu năm ở Pháp viết hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Tất nhiên bạn cũng không nên đọc sách khi ở cự li quá gần với chiếc giường êm ái vào buổi tối hoặc khi đầu óc đã quá buồn ngủ. Mang theo sách trên xe bus trên đường đi học thử xem, bạn sẽ thấy quãng đường bớt dài và cũng bớt phí thời gian đi nhiều.
Viết, viết nữa viết mãi
Trong bốn kĩ năng IELTS, viết có lẽ là kĩ năng khó nhất. Không nói đến phần 2 là phần nêu quan điểm cá nhân, nếu không có sự chuẩn bị bài bản thì bạn sẽ bị ăn điểm thấp ngay từ phần 1. Điều này là vô cùng đáng tiếc, bởi phần 1 không hề khó kiếm điểm cao như bạn tưởng. Việc của bạn là phải lên Youtube và tìm ngay những trang hướng dẫn viết Tasks 1. Kênh AcademicEnglishHelp trên Youtube có những đoạn clip rất hữu ích về việc ôn viết (cũng như những kĩ năng còn lại).
Để viết được tốt, bạn phải đọc qua một số bài viết mẫu để đúc rút một số kinh nghiệm cho bản thân (tuy nhiên điều này không có nghĩa là sao chép từng câu từng chữ của bài gốc nhé): nên bắt đầu bằng việc tóm lược thông tin chính, tổng hợp một số trạng từ thường dùng khi miêu tả biểu đồ…
Quan trọng là bạn phải chịu khó tập viết và có một người chấm giúp những bài viết của mình. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có quyền viết đi viết lại nhiều cách cho một đề tài để khắc phục những sai sót của bài viết trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét